Thiền Đường Nikaya Chơn Tín Toàn

thienduongnikaya-chontintoan.com

Thiền Đường Nikaya Chơn Tín Toàn

Thiền Đường Nikaya Chơn Tín Toàn

thienduongnikaya-chontintoan.com

Thứ Hai, 23/12/2024

(23/11/2024 Giáp Thìn, ÂL) (23/11/2024 Giáp Thìn, ÂL)

Thiền Đường Nikaya Chơn Tín Toàn

0944649562 https://zalo.me/0944649562 https://web.facebook.com/people/Ch%C6%A1n-T%C3%ADn-To%C3%A0n-Nikaya/61557901336485/ https://maps.app.goo.gl/3vFjaF4J7GqnScb39

Tóm Tắt Tiểu Sử Tỳ Kheo Ni Toàn Liên_ Tự Phước Chơn Tín Toàn (1973 _ 2023)

.

Được đăng bởi admin

Được tạo vào ngày 01/04/2024 03:09
Ngày 26-06-2024 Kỷ niệm ngày sanh thành Bậc Ân Sư. Hàng đệ tử chúng con với lòng tưởng niệm, nhớ kính, tôn kính xin được viết lại đôi điều qua phần Tóm Tắt Tiểu Sử dưới đây
Tóm Tắt Tiểu Sử Tỳ Kheo Ni Toàn Liên_ Tự Phước Chơn Tín Toàn (1973 _ 2023)

TÓM TẮT TIỂU SỬ TỲ KHEO NI THÍCH NỮ TOÀN LIÊN

(PHÁP TỰ: PHƯỚC CHƠN TÍN TOÀN)

(1973 - 2023)

A _ THÂN THẾ VÀ TRUYỀN THỐNG GIA ĐÌNH

Sư cô Thích Nữ Toàn Liên, pháp tự Phước Chơn Tín Toàn, thế danh Võ Ngọc Phượng, sinh ngày 26/06/1973 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thân phụ là cụ ông Võ Thiện Lộc (pháp danh Chánh Định Tường), thân mẫu đã xuất gia với pháp danh Thích Nữ Liên Hiền (thế danh Mai Túy Hồng).

Sinh ra trong một gia đình có năm anh chị em, Sư cô là người con út. Từ thuở nhỏ, Sư cô đã bộc lộ tính cách nghiêm nghị, hiền hòa, luôn hiếu kính với cha mẹ, chăm sóc chu đáo và dành trọn tình thương yêu cho gia đình. Nhờ gieo trồng duyên lành với Phật pháp từ nhiều đời trước, Sư cô được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu truyền thống Phật giáo. Ông cố và bà ngoại đều là người xuất gia, còn bà nội tu tập tại gia, giữ hạnh ăn chay và niệm Phật. Nhờ vậy, Sư cô từ nhỏ đã có cơ hội tiếp nhận và thấm nhuần những giáo lý cơ bản của đạo Phật.

B _ NHÂN DUYÊN ĐẾN VỚI DÒNG PHÁP NIKAYA

Năm 20 đến 28 tuổi, Sư cô bắt đầu tìm hiểu Phật pháp, nghe các bài giảng của các Hoà thượng, Thiền sư như: Thiền sư Thanh Từ, Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư Krishnamurti, Thiền sư Bankei, Thiền sư Ajahn Chah và các vị thiền sư đương thời khác. 

Từ năm 20 đến 28 tuổi, Sư cô bắt đầu hành trình tìm hiểu Phật pháp, thường xuyên nghe các bài giảng của các bậc Hòa thượng, Thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Thanh Từ, Thiền sư Nhất Hạnh, Thiền sư Krishnamurti, Thiền sư Bankei, Thiền sư Ajahn Chah cùng nhiều vị Thiền sư đương thời khác.

Đến năm 28 tuổi (2000), Sư cô mắc phải căn bệnh nặng - Lupus ban đỏ hệ thống (bệnh tán huyết), khiến cuộc sống và việc tu tập gặp muôn vàn khó khăn. Cùng trong khoảng thời gian này (2000-2001), một sự kiện tâm linh đặc biệt đã xảy ra, để lại dấu ấn sâu sắc trong đời Sư cô. Một buổi chiều hơn 5 giờ, khi trời đã chạng vạng, Sư cô đang ngồi tại nhà ở Sài Gòn thì bất ngờ tâm thức trở nên vắng lặng, mọi vọng niệm hoàn toàn biến mất. Trong sự thanh tịnh, vắng lặng ấy, tâm trí Sư cô bỗng sáng tỏ lạ thường, những điều từng đọc trong sách, kinh điển trước đây mà chưa thấu hiểu giờ đây trở nên minh bạch một cách kỳ diệu. Theo Phật giáo Bắc Tông, trạng thái tâm này được gọi là "Đại ngộ" hoặc "ngộ chân tâm."

Trạng thái đặc biệt ấy kéo dài đến ngày thứ ba. Trong thời gian này, Sư cô nhận thấy tâm mình không còn vướng mắc cảm xúc hay cảm thọ đối với gia đình, người thân. Chính sự vắng lặng hoàn toàn ấy khiến Sư cô suy nghĩ việc ở tại gia không còn phù hợp.

Sau đó, Sư cô đã gọi điện trình bày trạng thái tâm này với Hòa thượng Thiền sư Thanh Từ, đồng thời giải mã các công án. Hòa thượng rất hoan hỷ và khuyên Sư cô nên xuất gia, vì với hình tướng của một người xuất gia, việc hoằng pháp sẽ thuận lợi và có sức thuyết phục hơn. Tuy nhiên, Sư cô nhận thấy sức khỏe mình lúc đó còn yếu ớt, chân đi không vững, nếu xuất gia sẽ làm phiền người khác. Thêm nữa, dù tâm đã sáng tỏ và lắng đọng, nhưng các lậu hoặc vẫn chưa hoàn toàn dứt sạch, dục lậu vẫn ngấm ngầm tồn tại.

Nhận ra trạng thái này không phù hợp để tiếp tục ở tại gia, mà xuất gia cũng chưa phải thời điểm thích hợp, Sư cô quyết định buông bỏ trạng thái đó, để tâm trở lại bình thường, tiếp tục tư duy và trau dồi thêm.

C _ SỰ NGHIỆP HÀNH ĐẠO VÀ XUẤT GIA

I. Thời Kỳ Hoằng Pháp

Với trí tuệ thâm sâu trong Phật pháp cùng những trải nghiệm thực tu và thực chứng của mình, Sư cô đã được mời chia sẻ pháp tại nhiều nơi trong và ngoài nước, từ các tự viện, chùa, tịnh xá, trường Phật học đến các lớp học tại gia. Những bài giảng và pháp thoại của Sư cô đã mang lại lợi ích thiết thực, được chư tôn đức Tăng Ni và hàng cư sĩ tại gia hoan hỷ đón nhận.

Trong hành trình hoằng pháp, Sư cô đã có nhân duyên chia sẻ giáo pháp tại nhiều nơi như:

1.   Các khoá tu tại nhà ở Paris, 

2.   Học viện Phật giáo Linh Sơn (Paris), 

3.   Tịnh xá Ngọc Điểm (Paris), 

4.   Villiers Le Bel (Paris), 

5.   Tịnh xá Ngọc Phương (thành phố Hồ Chí Minh), 

6.   Chùa Hoằng Pháp (thành phố Hồ Chí Minh), 

7.   Học viện Phật giáo tại Lê Minh Xuân (thành phố Hồ Chí Minh), 

8.   Chùa Siêu Lý (tỉnh Vĩnh Long), 

9.   Chùa Đại Giác (Biên Hoà), 

10. Chùa Giác Ngộ (thành phố Hồ Chí Minh), 

11. Chùa Pháp Tạng (thành phố Hồ Chí Minh), 

12. Chùa Bửu Liên (thành phố Hồ Chí Minh), 

13. Linh Quy Pháp Ấn (tỉnh Lâm Đồng), 

14 .Các khoá tu tại khu dân cư Dic Phoenix (thành phố Vũng Tàu), 

15. Thiền viện Giác Tuệ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 

16. Thiền viện Phước Sơn (tinh Đồng Nai), …

Trong suốt quá trình hoằng dương Chánh pháp, Sư cô luôn trung thành với lời dạy của Đức Thế Tôn trong bài kinh Ví dụ con rắn (Trung Bộ 1, trang 295):

"Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói về sự khổ và con đường diệt khổ."

Cốt lõi của những bài pháp mà Sư cô thuyết giảng là thánh trí về Ngũ uẩn, Tứ Thánh đế, và Bát Chánh đạo – con đường dẫn đến diệt tận khổ đau. Sư cô đã để lại hơn 400 bài giảng trên các nền tảng trực tuyến, với nhiều chủ đề mang tính khích lệ, sách tấn tinh thần tu học. Những bài giảng chưa được đăng tải cũng thể hiện sự sâu sắc trong việc khai mở trí tuệ, giúp hành giả tìm thấy pháp học và pháp hành chân chánh, đúng theo lời Phật dạy.

Những bài pháp ấy luôn mang tinh thần thiết thực, hiện tại, hướng thượng, có hiệu quả tức thời, như lời ca ngợi Chánh pháp của Đức Thế Tôn:

"Pháp của Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu."

Chính những thánh ngữ này là phương tiện thiện xảo, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, giúp các hành giả tinh tấn hành trì, tu học theo đúng Chánh pháp.

II. Thành Lập Đạo Tràng Nikaya

Từ năm 2010 đến 2023, với tinh thần kế thừa trí tuệ tối thượng từ bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, cùng sự nỗ lực tu tập và thực chứng trong Bốn Thánh trí về Ngũ uẩn, Sư cô đã góp phần làm sáng tỏ lại giáo pháp nguyên gốc của Đức Phật trong kinh tạng Nikaya. Sư cô đã tái dựng lại Chánh pháp, chỉ đường cho những người con Phật đang lạc lối tìm về cội nguồn của đạo Phật.

Năm 2019, Sư cô quyết định từ Pháp trở về Việt Nam định cư, mở ra nhiều nhân duyên hoằng truyền Chánh pháp. Tâm nguyện lớn lao của Sư cô là xây dựng một đạo tràng tu hành chân chánh, nơi người học Phật có thể nương tựa, thực hành Giới-Định-Tuệ, hướng đến các thánh quả cao thượng theo đạo lộ nguyên gốc của Đức Phật.

Ngày 09/01/2021, Hòa thượng Thích Bửu Chánh, vì lòng kính trọng sự thực tu và đóng góp của Sư cô, đã hỗ trợ một trú xứ trong Thiền viện Phước Sơn (cốc 99 và 100). Sau thời gian chuẩn bị, ngày 17/05/2021, dưới sự chứng minh của Hòa thượng, đạo tràng Nikaya chính thức được thành lập, với Sư cô làm người dẫn dắt.

 III. Xuất Gia

Năm 1999, Sư cô quy y tại Thiền viện Thường Chiếu, được Hòa thượng Thiền sư Thanh Từ truyền giới, đặt pháp danh Chơn Thường Tri, sau đổi thành Chơn Tín Toàn, phù hợp với trí tuệ và đức hạnh của Sư cô.

Trong gần 30 năm tu học không ngừng nghỉ, tuy thân còn tại gia nhưng tâm Sư cô đã xuất gia. Sư cô nghiêm trì Bát Chánh đạo, luôn tỉnh giác quán chiếu Ngũ uẩn, thực hành nghiêm túc Giới-Định-Tuệ, với oai nghi trang nghiêm, thanh tịnh xứng đáng trong hàng đệ tử của Đức Thế Tôn.

Ngày 11/07/2021, tại Thiền viện Phước Sơn, cư sĩ Chơn Tín Toàn chính thức thọ giới Sa-di Ni, pháp tự Phước Chơn Tín Toàn. Hòa thượng Thích Bửu Chánh, cùng chư Tăng Ni, chứng minh buổi lễ trong niềm hoan hỷ lớn lao. Ngài phát biểu:

“Nhờ nhân duyên phước báo mà Sư cô có thể là cánh tay nối dài của chư Tăng để truyền bá những lời dạy nguyên thuỷ của Đức Phật thuở xưa đến cho những người có duyên lành với Phật pháp. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi có nhân duyên truyền giới cho một vị Ni, vì nhận thấy trường hợp của Sư cô Chơn Tín Toàn khá đặc biệt, là vị luôn nhiệt tâm, tinh cần, tinh tấn, tu tập và hoằng pháp”.

Ngày 10/01/2022, Sư cô thọ giới Phương trượng Thức-xoa Ma-na và Cụ túc giới Tỳ-kheo Ni, pháp hiệu Thích Nữ Toàn Liên, dưới sự chứng minh của hai bộ Đại Tăng hệ phái Khất Sĩ tại Tịnh xá Ngọc Hiển (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Từ đây, hình ảnh thanh tịnh, trang nghiêm của Sư cô trong chiếc Thánh y vàng phước điền đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ cho hàng xuất gia và tại gia trong đạo tràng Nikaya.

IV. Gia Tài Pháp Bảo

Trong hành trình tu học và hoằng dương chánh pháp, Sư Cô đã để lại một gia tài pháp bảo vô giá cho hàng đệ tử và những ai khao khát tu tập theo dòng Thánh pháp cao quý này. Những tác phẩm của Sư Cô không chỉ là nguồn tư liệu quý giá mà còn là ngọn đèn dẫn đường cho hành giả trên con đường giác ngộ và giải thoát.

1Tiến Trình Giải Thoát (Tóm Tắt Kinh Sa-môn Quả) (Nxb.Phương Đông,Tp. Hồ Chí Minh, năm 2007)

Tập sách này được viết với lòng chân thành mong muốn mọi hành giả có được sự rõ ràng và mạch lạc về con đường tu học. Bằng cách tóm tắt tiến trình giải thoát theo Kinh Sa-môn Quả, tác phẩm mang đến cái nhìn tổng quan, giúp hành giả hiểu và áp dụng đạo lộ tu học của Đức Phật vào thực tế cuộc sống.

2. Công trình phân loại kinh Nikaya (hoàn thành năm 2017)

Mục đích của công trình phân loại này là hỗ trợ những ai quan tâm đến việc nghiên cứu Kinh Nikaya hoặc các chủ đề trong bộ kinh này có thể dễ dàng tiếp cận. Đây cũng chính là động lực để Sư cô dành trọn 9 năm tâm huyết hoàn thành công trình phân loại Kinh Nikaya. Với lòng thành kính và tâm nguyện góp phần làm rạng rỡ Chánh pháp cao quý, công trình này hy vọng mang lại sự thuận tiện cho những người con Phật trong việc tìm hiểu và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh Nikaya.

Chúng tôi chân thành mong rằng: Những ai sử dụng công trình này, xin hãy giữ vững lòng tôn kính đối với Đức Phật và trân quý Pháp bảo cao thượng này. Vì lợi ích cho bản thân và cộng đồng, trong hiện tại và mai sau, xin đừng chỉnh sửa, thêm bớt bất kỳ nội dung nào trong các bài kinh Nikaya nguyên chất - lời dạy tinh túy của Đức Phật. Hãy cùng gìn giữ và bảo vệ để Chánh pháp vi diệu và hy hữu này không bị mai một.

3. Cửa Vào Bất Tử (Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2017)

Tập sách này được biên soạn với mong muốn mang đến cho người con Phật những giây phút lắng đọng, nhẹ nhàng trong hành trình tu tập Phật pháp. Thông qua những bài kệ và bài quán được trình bày dưới dạng văn vần, người học có thể dễ dàng thẩm thấu và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn.

Phần tiếp theo của tập sách tập trung hướng dẫn phương pháp tu tập từ bi, hỷ xả, đặc biệt dành cho những ai mới bước đầu thực hành Tứ Vô Lượng Tâm. Điểm nhấn quan trọng ở phần cuối là sự tuyển chọn những bài kinh Nikaya, trong đó chứa đựng các định nghĩa về Ngũ Uẩn, được trình bày dựa trên lời dạy nguyên chất của Đức Phật. Tập sách hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng và hỗ trợ hữu ích cho hành trình tu học của những người con Phật.

4. Tóm Tắt Ngũ Uẩn (Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2017)

Sự không thấy rõ và hiểu đúng về Ngũ Uẩn chính là cội nguồn của sáu mươi hai tà kiến sai lầm, dẫn dắt chúng sinh mãi luân hồi trong sanh tử, như đã được Đức Phật giảng trong kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh, bài 1). Nhằm hỗ trợ các Phật tử nhận diện và quán chiếu Ngũ Uẩn trong đời sống hằng ngày, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý đạo hữu quyển sách nhỏ với chủ đề “TÓM TẮT NĂM UẨN”.

Phần đầu tập sách trình bày một cách ngắn gọn các định nghĩa về Ngũ Uẩn, được Đức Phật giảng dạy trong kinh tạng Nikaya. Tiếp đó, chúng tôi tuyển chọn và giới thiệu những bài kinh Nikaya chứa đựng các định nghĩa về Ngũ Uẩn theo nguyên chất lời Phật, để quý đạo hữu có thể tự mình chiêm nghiệm và thấu hiểu sâu sắc hơn về vấn đề này.

Tập sách được thực hiện với tâm nguyện chân thành hướng đến những người con Phật đang tìm hiểu giáo pháp, mong cầu một sự hướng dẫn đúng đắn để thấy rõ bản chất của tham, sân, si trong nội tâm và từng bước gột rửa những ô nhiễm tinh thần, trên hành trình tiến đến sự thanh tịnh và giải thoát.

5. Tinh Hoa Nikaya (3 tập) (Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2022 và 2023)

Tập sách này được biên soạn với mục đích làm sáng tỏ những lời dạy nguyên chất của Đức Phật, khơi dậy trong lòng người con Phật ý thức về mục tiêu cốt lõi của đạo Phật thuở ban đầu, cũng như phương pháp tu tập chân chánh để đạt được mục tiêu cao quý đó. Mục đích của đạo Phật là giúp chúng sinh nhận diện rõ ràng thân tâm mình vốn đầy rẫy cặn bã, rác bẩn, sâu bọ và nhiễm ô, đồng thời chỉ ra con đường chân chánh để thanh lọc, đào thải những ô uế, đưa thân tâm đến trạng thái trong sạch, thanh tịnh, an lạc, tự tại và giải thoát.

Do vậy, hành giả Nikaya hãy nỗ lực dấn thân thực hành và chứng nghiệm Thánh pháp. Hãy kiên trì trau dồi Đức Hạnh, Thiền Định và Trí Tuệ theo gương sáng của các bậc Thánh đệ tử. Hãy sống một đời sống thật đẹp, thật chân chánh, để không chỉ đạt được sự giải thoát cho chính mình mà còn góp phần làm rạng ngời Chánh pháp trong cõi đời này.

6. Nghi Thức Tu Học Nikaya (Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2019) (sau đổi thành Căn Bản Tu Học Nikaya, Tập 1 - Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, năm 2023)

Tập sách “Căn Bản Tu Học Nikaya” gồm mười phần, mỗi phần mang một ý nghĩa riêng biệt, với công năng và lợi ích thiết thực cho hành giả. Mỗi nội dung được trình bày trong tập sách không chỉ giúp hành giả đến gần hơn với Tam Bảo mà còn làm sáng tỏ hiểu biết đúng đắn về Đức Phật, Chánh pháp và những diệu hạnh, Thánh hạnh mà một bậc Thánh đệ tử cần tu tập, thực hành và thành tựu. Đây là sự đúc kết những điều cốt yếu mà một hành giả cần thấy biết và thực hành khi dấn thân vào con đường tu tập theo kinh tạng Nikaya.

Mục đích của tập sách là “giữ lửa” cho những người con Phật đang nỗ lực tu tập theo Chánh pháp Nikaya, đồng thời tạo dựng một môi trường tu tập lành mạnh, đúng pháp cho những ai mong cầu sống theo giáo pháp nguyên chất của Đức Phật. Tập sách cung cấp một tài liệu căn bản, thiết thực và chân chánh, được xây dựng dựa trên lời dạy trong kinh tạng Nikaya, giúp hành giả có định hướng rõ ràng trên con đường tu tập.

Với nội dung này, hành giả có thể sử dụng tập sách để áp dụng vào việc tu học, thực hành cá nhân, tụng đọc trong đại chúng, hoặc xây dựng thời khóa tu tập tại nhà. Ngoài ra, tập sách cũng là nguồn tham khảo quý giá để thiết lập thời khóa tu tập cho các khóa tu đại chúng hoặc các khóa chuyên sâu về Nikaya, nhằm mang lại lợi ích lớn lao và bền vững trên hành trình tiến đến giải thoát.

Trong hành trình tu học và hoằng dương Chánh pháp, Sư Cô đã để lại một gia tài Pháp bảo vô giá cho các đệ tử và những ai mong muốn tu tập theo con đường Thánh pháp. Một trong những di sản quý báu ấy chính là danh sách các bài giảng được Sư Cô chia sẻ trực tuyến, được sắp xếp theo từng chủ đề, giúp người học dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu giáo pháp. Danh sách bài giảng như sau:

  • Ngũ Uẩn
  • Dấu Chân Phật
  • Cửa Vào Bất Tử
  • ­Cách Diệt Dục
  • Thanh Quy Đạo Tràng
  • Tứ Thánh Đế
  • Bát Chánh Đạo
  • Tứ Niệm Xứ
  • 12 Nhân Duyên
  • Giảng Giải Căn Bản Trí
  • Phát Lộ Sám Hối
  • Nikaya Vấn Đáp
  • Hàng trăm bài giảng về Kinh và Thiền quán phá thân kiến, phá bản ngã...
  • Những bài vấn đáp, khuyến khích, sách tấn tu tập, … 

D _ VIÊN TỊCH

Suốt 23 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, Sư Cô vẫn không ngừng cống hiến trí tuệ và sức lực cho đạo tràng, tận hiến tất cả đến hơi thở cuối cùng. Dẫu biết bệnh tình nghiêm trọng, nhưng Sư Cô chưa một lần chùn bước, hy sinh những giây phút cuối cùng của đời mình để dẫn dắt hàng đệ tử, với mong ước tha thiết đưa họ vào con đường Thánh đạo.

Trong những đêm không ngủ vì đau đớn, Sư Cô vẫn trăn trở cho sự non yếu và dại khờ của hàng đệ tử, lo lắng họ chưa thể thẩm thấu trọn vẹn Thánh pháp. Tấm lòng từ bi và nhiệt huyết của Sư Cô đã được gửi gắm qua bài thơ “Ước Gì”:

"Ước gì mổ được trái tim này
Phơi bày tim máu với tình thương
Phơi bày trí tuệ, lòng bi mẫn
Để chúng sanh thấu tỏ được đây!"

(Bài kệ viết lúc 23h30, ngày 28-05-2023)

Những ngày cuối đời, dù cơn đau thân xác hành hạ khốc liệt, Sư Cô từ chối dùng thuốc giảm đau để giữ tâm luôn tỉnh giác, tránh rơi vào hôn mê hay trạng thái bức xúc. Với nội lực phi thường, mỗi khi cơ thể kiệt quệ gần như rơi vào trạng thái mê man, Sư Cô tự giác tỉnh thức, mở mắt nhìn chăm chú, giữ vững tâm chánh niệm. Dù phải đối diện với những cảm thọ đau đớn nhất, Sư Cô đã chứng minh sự làm chủ thân tâm vi diệu nhờ thực hành đúng theo Chánh pháp, như lời Đức Phật dạy trong kinh Tật Bệnh (Tương Ưng Bộ IV, 340):

“Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến. Đây là lời giáo giới của Ta cho các ông.”

Sư Cô đã sống và thực hành theo Thánh pháp, vượt qua những thống khổ thân bệnh để minh chứng sức mạnh của Chánh pháp. Như trong bài thơ Sư Cô từng viết:

"Thôi đến lúc rồi, tôi phải đi,
Dặn người: “Thánh đạo, chớ khinh khi!”
Đừng vì si ám mà từ bỏ,
Con đường thoát khỏi mọi khổ đau."
(Bài Đom Đóm – Cửa Vào Bất Tử, trang 169)

Thời khắc đã đến. Lúc 23h40 khuya ngày 28 tháng 10 năm 2023 (nhằm ngày 14 tháng 9 âm lịch, năm Quý Mão – ngày trai giới, trăng tròn sáng trong), Sư Cô thuận theo vô thường, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, xả bỏ sắc thân năm uẩn trong sự thanh tịnh và trang nghiêm. Sự ra đi của Sư Cô để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng hàng đệ tử.

Theo di huấn, sắc thân của Sư Cô được lưu lại trong không gian thanh tịnh tại đạo tràng Nikaya, Thiền viện Phước Sơn. Hàng đệ tử ngồi an tịnh tọa thiền, hướng tâm tưởng niệm Ngài. Hai giờ sau, một sự kiện hy hữu xảy ra: Sư Cô nở nụ cười mãn nguyện, như dấu hiệu viên mãn tâm nguyện giải thoát khỏi cảnh giới khổ đau.

Lễ trà tỳ của Sư Cô được tổ chức trang trọng, viên mãn. Xá lợi của Sư Cô được an trí tại Thiền đường Nikaya – nơi Sư Cô đã toàn tâm toàn sức xây dựng để hoằng truyền Chánh pháp Như Lai. Tấm gương hy sinh, sự tu tập và lòng bi mẫn của Sư Cô mãi là ngọn đèn soi sáng cho hàng đệ tử và những ai bước đi trên con đường giải thoát.

 

*LỜI XIN LỖI

Sau nhiều lần tha thiết thỉnh cầu, chúng con mới được Bậc Ân Sư vì lòng từ bi thương tưởng mà thuận duyên chia sẻ đôi điều quan trọng về cuộc đời và sự thực chứng của Ngài, dù sức khỏe khi ấy đã rất mỏng manh, yếu ớt. Những lời kể ngắn gọn ấy chính là nguồn tư liệu quý giá, là nền tảng để chúng con tìm hiểu và biên soạn phần tiểu sử của Ngài.

Để đảm bảo nội dung được đầy đủ và chính xác, chúng con đã nỗ lực tìm hiểu thêm thông tin từ những người thân quen của Ngài qua từng giai đoạn trước và sau khi xuất gia, đồng thời cẩn trọng góp nhặt các chi tiết từ những bài giảng pháp mà Ngài để lại. Từ những mảnh ghép ấy, chúng con kính cẩn tổng hợp và biên soạn thành bản tóm tắt tiểu sử với tất cả lòng thành kính.

Dẫu vậy, chúng con ý thức sâu sắc rằng sự hữu học của mình còn nhiều hạn chế. Những điều vi diệu về công hạnh, trí tuệ và đạo hạnh cao quý của Bậc Ân Sư có lẽ vẫn chưa được phản ánh trọn vẹn. Chúng con thành tâm xin chư vị hữu duyên có lòng tôn kính Ngài lượng thứ và thông cảm cho những thiếu sót này.

Chúng con hy vọng rằng phần tiểu sử về Bậc Ân Sư, bậc Thầy dẫn đường cao thượng và hiếm có trên thế gian, sẽ là nguồn cảm hứng cho hàng hậu học. Qua đó, mọi người sẽ hiểu sâu hơn về Ngài, noi theo đạo lộ chân chánh mà Ngài đã dày công truyền dạy, để thu được nhiều giá trị thiết thực trong việc học hỏi và hành trì Chánh pháp.

Nếu làm được điều đó, chúng con tin rằng ngọn lửa Chánh pháp mà Bậc Ân Sư đã nỗ lực giữ gìn và lan tỏa sẽ tiếp tục chiếu sáng, mang lại lợi ích lớn lao cho muôn đời như tâm nguyện cao quý của Ngài.