HƯỚNG DẪN THỌ THỰC
“Cảm giác hơi thở… Cảm giác cơ thể… Cảm giác toàn thân… Cảm giác sự an tịnh của thân tâm… Cảm giác sự an tịnh của không gian nơi này, vùng đất này và trời đất này… Cảm giác dễ chịu đối với không gian này, vùng đất này và trời đất này… Trong tâm thương rộng lớn này, mong tất cả các loài hữu tình đều được an lạc và bình an, tìm được niềm an vui cho mình, tâm thương mình thật nhiều và thương muôn loài hữu tình trong trời đất rộng lớn này… Tâm thương rộng lớn… Rõ biết tâm thương rộng lớn… Cảm giác tâm thương rộng lớn… Cảm giác thân đang ngồi… Cảm giác cổ họng… Xem lại cảm thọ dục, ái trước bữa ăn này… Trước bữa ăn này, nước miếng có chảy không?... Có dục, ái trong việc chảy nước miếng này không? Hay nước miếng chảy đơn thuần do duyên xúc?... Nếu thấy có dục, ái trong thân tâm thì như lý tác ý để diệt dục, ái. Chánh niệm tỉnh giác quán sát thân hành trong khi ăn. Khi ăn, tránh tạo ra tiếng muỗng đĩa va chạm, tiếng múc cơm, tiếng vét cơm, tiếng để muỗng đũa xuống. Tránh tạo ra các tiếng động một cách tối đa. Kiểm soát thân hành khi ăn. Kiểm soát tay, chân, mắt, miệng. Kiểm soát việc múc thức ăn, việc đưa thức ăn vào miệng, việc nhai. Khi nhai thức ăn, không nhai thô thiển, không nhai nghe tiếng. Kiểm soát quai hàm khi nhai. Làm chủ độ nhai. Nhai hết muỗng cơm này rồi mới đưa muỗng cơm khác vào. Không vừa nhai vừa vơ vét thức ăn. Không vừa nhai vừa cầm sẵn muỗng thức ăn tiếp theo để đưa vào miệng. Kiểm soát cảm thọ dục, ái trong khi ăn. Dừng lại việc ăn nếu thấy dục, ái xuất hiện. Như lý tác ý diệt tận dục ái đã sanh rồi sau đó mới ăn tiếp. Tập nhận diện ngũ uẩn trước khi ăn, trong khi ăn và sau khi ăn. Tập tâm thanh tịnh rộng lớn trong khi ăn. Bữa ăn này được thọ nhận với chánh tư duy như sau: Ta thọ dụng thức ăn này không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, là sự biết tiết độ trong ăn uống.
Sự ăn uống đúng pháp như vậy sẽ mang đến phước báu lớn cho những người đã cho chúng ta bữa ăn hôm nay, không làm uổng công người cho và không làm tổn giảm phước báu của tự thân.
Kính mời (…) thọ thực trong chánh quán và chánh niệm”.